Kính chào luật sư! Hiện tại, công ty tôi muốn thành lập công ty con. Vậy luật sư cho tôi hỏi việc thành lập công ty con có những mặt tích cực và hạn chế gì?
Trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn vì đã tin tưởng và đặt câu hỏi cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, Luật Á Châu xin tư vấn cho bạn như sau:
Công ty mẹ – công ty con là một nhóm các công ty có mối quan hệ với nhau về sở hữu, độc lập về mặt pháp lý và chịu sự kiểm soát chung của một công ty (công ty mẹ) có vai trò trung tâm quyền lực, nắm giữ quyền chi phối các công ty còn lại (công ty con) trong tổ hợp.
Những đặc trưng của quan hệ công ty mẹ – công ty con
Thứ nhất, công ty mẹ và công ty con là hai thực thể pháp lý độc lập, có tài sản riêng;
Thứ hai, vì công ty mẹ chi phối công ty con bởi yếu tố “vốn” cho nên công ty mẹ có lợi ích kinh tế nhất định liên quan đến hoạt động của công ty con;
Thứ ba, công ty mẹ chi phối đối với các quyết định liên quan đến hoạt động của công ty con thông qua một số hình thức như quyền bỏ phiếu chi phối đối với các quyết định của công ty con, quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm HĐQT, ban lãnh đạo hoặc quyền tham gia quản lý, điều hành;
Thứ tư, vị trí công ty mẹ và công ty con chỉ trong mối quan hệ giữa hai công ty với nhau và mang tính tương đối, tức là công ty con này có thể là công ty mẹ của một công ty khác;
Thứ năm, bởi mô hình công ty mẹ – công ty con chỉ bao gồm các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Do đó, trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con nói chung là trách nhiệm hữu hạn.
Thứ sáu, về mặt lý thuyết, mô hình quan hệ này sẽ tạo cho cơ cấu tổ chức của các công ty trong nhóm có chiều sâu không hạn chế; tức công ty mẹ, con công ty con, công ty cháu…
Mô hình công ty mẹ – công ty con có nhiều điểm tích cực như:
– Với mô hình này, khi một đơn vị kinh doanh chiến lược của một doanh nghiệp phát triển đến mức yêu cầu phải có sự tự chủ trong hoạt động, thì các doanh nghiệp có xu hướng tách đơn vị kinh doanh chiến lược này thành một thực thể pháp lý độc lập, và về mặt pháp lý không chịu trách nhiệm liên quan đến hoạt động của nó.
Chính với trách nhiệm hữu hạn này của chủ sở hữu là điều kiện cần để chủ sở hữu có thể xác lập một cơ chế quản lý phân cấp triệt để hơn khi nó còn là một bộ phận trực thuộc của công ty mẹ. Hơn thế, với mối quan hệ theo mô hình công ty mẹ – công ty con, công ty mẹ còn có thể thực hiện được chiến lược chuyển giá, nhất là trong những trường hợp các doanh nghiệp lập cơ sở kinh doanh ở nước ngoài.
– Với mô hình này, các doanh nghiệp có thể thực hiện được sự liên kết với các doanh nghiệp khác nhằm giảm cạnh tranh, tăng độc quyền của thiểu số, cùng phối hợp hay chia sẻ các nguồn lực, tận dụng các thế mạnh của các cổ đông… bằng cách cùng nhau đầu tư lập các công ty con.
– Mô hình công ty mẹ – công ty con cho phép các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bố trí và tái bố trí lại cơ cấu đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp bằng việc mua hoặc bán cổ phần của mình trong các công ty con.
– Mô hình công ty mẹ – công ty con cho phép một doanh nghiệp huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh bằng cách thành lập công ty con mới trong điều kiện vừa có thể kiểm soát được doanh nghiệp mới thành lập một cách hữu hiệu thông qua cổ phần khống chế, vừa không bị các nhà đầu tư chi phối đối với doanh nghiệp cũ.
– Mô hình công ty mẹ – công ty con sẽ phát huy được tính tự chủ sáng tạo của từng thành viên trong tập đoàn từ công ty mẹ đến các công ty con, hạn chế được sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty trong tập đoàn, do đó tạo ra sức mạnh của tập đoàn.
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, mô hình công ty này vẫn còn một số hạn chế như:
– Tập đoàn có thể trở thành nhà đầu tư độc quyền, dễ gây nên hiện tượng lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh chung.
– Do tính độc lập, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên các công ty con cạnh tranh lẫn nhau gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của tập đoàn.
– Việc quan tâm hơn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đến nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật có thể dẫn tới nguy cơ mất việc làm của người lao động.
– Công ty con có thể bị phụ thuộc vào công ty mẹ, do đó khó theo đuổi mục đích khác của tập đoàn.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Á Châu về câu hỏi của bạn. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có quyết định đúng đắn cho công việc của mình.
Công ty TNHH Luật Á Châu
VPGD: 262 Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
SĐT: 0947.318.318 – 0967.932.555
Webside: achaulaw.com.vn
Email: achaulaw@gmail.com
Bạn hãy gọi chúng tôi bất kể khi nào bạn cần!