Mục Lục
ToggleLưu Ý Khi Thành Lập Công Ty quan trọng mà bạn cần biết cho một tương lai với quyết định sáng suốt.
Muốn thành lập công ty bạn cần phải chuẩn bị trước những thứ gì? Có lẽ đây là thắc mắc của không ít nhà đầu tư khi lên kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh. Thủ tục thành lập công ty không phải là một thủ tục quá phức tạp. Nhưng thủ tục này sẽ rất phức tạp, mất nhiều thời gian và công sức nếu Nhà đầu tư không tìm hiểu rõ.
Chính vì vậy các bạn đang và sẽ có dự định thành lập công ty, nên tìm hiểu kỹ về các vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề này. Và để dễ dàng cho việc tiếp cận, Lật Á Châu đưa ra một số tư vấn những lưu ý khi thành lập công ty quan trọng như sau:
Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, thì cần lưu ý những vấn đề sau:
Một Số Tư Vấn, Lưu Ý Khi Thành Lập Công Ty
1. Thứ nhất, lựa chọn địa chỉ trụ sở công ty:
- Khi đặt trụ sở công ty, bạn nên lựa chọn những địa chỉ rõ ràng và lưu ý không chọn đặt trụ sở công ty tại các chung cư hoặc tập thể. Đồng thời khi kê khai thủ tục đăng ký thành lập công ty cần phải ghi rõ địa chỉ như tên đường/ấp, xã/phường, Quận/huyện/ Thành phố, Tỉnh/Thành phố.
- Địa chỉ Công ty khi bạn đi thuê, mượn, hay của nhà bạn thì phải đảm bảo có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng để cơ quan quản lý thuế có thể xác minh được trụ sở, tránh trường hợp đã đăng ký thành lập công ty xong mà cơ quan thuế không chấp nhận dẫn tới đóng mã số thuế.
- Địa chỉ đặt trụ sở phải rõ ràng để cơ quan quản lý có thể gửi thư, chuyển phát… để có thể liên lạc được.
2. Thứ hai, Lựa chọn loại hình doanh nghiệp:
Luật doanh nghiệp 2020 quy định có các loại hình công ty như sau: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH 1 Thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty cổ phần.
Mỗi loại hình công ty đều có những đặc điểm pháp lý khác nhau nên tùy vào nhu cầu và mục đích mà bạn có thể lựa chọn loại hình công ty cho phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình.
a, Đối với doanh nghiệp tư nhân:
Căn cứ theo Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 thì cần lưu ý:
- Do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
- Không được phát hành chứng khoán.
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
- Không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
b, Đối với công ty hợp doanh:
Căn cứ theo Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 thì cần lưu ý:
- Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
- Không được phát hành chứng khoán.
c, Đối với công ty TNHH 1 thành viên:
- Do 1 cá nhân hoặc 1 tổ chức làm chủ sở hữu và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần. (Căn cứ Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020).
d, Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
- Phải có ít nhất từ 2 đến 50 thành viên tham gia góp vốn vào công ty và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Thành viên công ty có thể là cá nhân hoặc tổ chức theo quy định của pháp luật. Cũng như Công ty TNHH 1 Thành viên, công ty TNHH 2 Thành viên trở lên không được phát hành cổ phần trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần. (Căn cứ Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020)
e, Đối với công ty cổ phần:
- Phải có ít nhất từ 3 cổ đông trở lên và không giới hạn số lượng tối đa thành viên tham gia. Các cổ đông công ty có thể là cá nhân hoặc tổ chức theo quy định của pháp luật và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Được quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
=> Theo xu hướng hiện nay, loại hình công ty được lựa chọn thành lập nhiều nhất là Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty cổ phần bởi tính ưu việt của nó so với những loại hình công ty còn lại.
3. Thứ ba, Lưu ý khi đặt tên công ty:
- Theo quy định tại Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020 thì tên doanh nghiệp bao gồm 2 thành tố là “Loại hình doanh nghiệp” và “Tên riêng”. Cho nên, sau khi lựa chọn được loại hình công ty phù hợp thì nhà đầu tư có thể đặt tên công ty.
- Loại hình doanh nghiệp thì có thể là công ty TNHH, công ty hợp danh hoặc Công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân.
- Còn tên riêng của doanh nghiệp là tên được viết theo bảng chữ cái của Tiếng Việt, bao gồm cả chữ số và ký hiệu.
- Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp phải được tuân thủ theo quy định Điều 39 Luật doanh nghiệp 2020.
- Khi đặt tên doanh nghiệp các bạn cần lưu ý về các trường hợp bị cấm khi đặt tên doanh nghiệp và những trường hợp đặt tên trùng, tên gây nhầm lẫn với những doanh nghiệp khác được quy định tại Điều 38, Điều 41 Luật doanh nghiệp 2020.
4. Thứ tư, lựa chọn mức vốn điều lệ phù hợp:
Căn cứ khoản 34 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 thì Vốn điều lệ của doanh nghiệp được hiểu là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty.
Luật không quy định mức vốn điều lệ cho từng loại hình công ty nên tùy thuộc vào nhu cầu, mục đích hay ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp lựa chọn cho mình một mức vốn phù hợp, trừ những ngành nghề kinh doanh có quy định vốn pháp định. Ví dụ: Kinh doanh dịch vụ kiểm toán có vốn pháp định là 5 tỷ đồng (Điều 5 Nghị định 17/2012/NĐ-CP).
Ngoài ra, các nhà đầu tư cần lưu ý một số quy định về thời hạn góp vốn của các cổ đông/thành viên và quy định về tăng, giảm vốn điều lệ cho mỗi loại hình công ty để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
5. Thứ năm, lựa chọn ngành nghề kinh doanh:
Ngành nghề kinh doanh là những lĩnh vực mà doanh nghiệp muốn hoạt động và phải đăng ký với cơ quan Nhà nước quản lý. Doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cầm, tuy nhiên tùy từng lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện trước khi đăng ký và/hoặc sau khi đăng ký kinh doanh. Ví dụ như: kinh doanh ngành nghề yêu cầu vốn pháp định thì doanh nghiệp phải chứng minh số vốn pháp định trước khi đăng ký kinh doanh.
- Và đặc biệt các nhà đầu tư cần chú ý đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì sau khi đăng ký phải làm thủ tục cấp giấy phép con. Ví dụ: sau khi đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ du lịch, doanh nghiệp cần làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa và Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thì mới được phép hoạt động kinh doanh.
- Quy định về các ghi ngành, nghề kinh doanh được quy định tại Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là những vấn đề doanh nghiệp cần phải lưu ý khi thành lập công ty, nếu bạn đang có nhu cầu thành lập công ty mà vẫn còn đang băn khoăn về những vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục này.
Hoặc những lưu ý khi thành lập công ty khác, bạn cần tư vấn thành lập doanh nghiệp và bất kỳ địa điểm nào trên toàn quốc, vui lòng liên hệ với Công ty Luật Á Châu để được tư vấn, hỗ trợ.